Không thiếu những lần chán nản, mệt mỏi tưởng chừng như có thể bỏ cuộc nhưng nỗi háo hức về một cảm giác tiệm cận tới thế giới kỳ diệu loé lên đã thôi thúc chúng tôi vượt qua tất cả.
Mặc dù đã đi nhiều nơi, chinh phục nhiều đỉnh núi với những phong cảnh đẹp trên thế giới nhưng hành trình đến với Nhìu Cồ San, Lùng Cúng và Lảo Thẩn là một chuyến đi thực sự để lại nhiều kỷ niệm với những ấn tượng khó quên. Chuyến đi như được đọc một cuốn sách đặc biệt mà mỗi người thường chỉ đọc một lần duy nhất.
Nhiếp ảnh gia Hùng Lekima và những người bạn vừa có chuyến chinh phục các đỉnh núi độc đáo ở Lào Cai, nơi còn ít người biết đến. Anh chia sẻ hành trình này với những tín đồ du dịch của Zing.
Nhiếp ảnh gia Việt Hùng Lekima trên đỉnh Nhìu Cồ San. |
Mùa săn mây thường từ khoảng tháng 10 năm này đến tháng 4 năm sau. Chúng tôi có ba cuộc hành trình tới ba đỉnh núi khác nhau thuộc Lào Cai và Yên Bái từ tháng 9 đến tháng 11/2020.
Mỗi lần đoàn chúng tôi có từ 15 đến 20 thành viên. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là chuyến đi dưới mưa và bùn lầy, mất 8 giờ để lên lán ở độ cao 2.100 m, mưa không có dấu hiệu ngớt. Sang ngày hôm sau, chúng tôi phải chờ đợi, theo dõi, thực sự cũng muốn mọi người thêm thời gian nghỉ ngơi nên đã xuất phát muộn hơn so với dự kiến.
Khi lên đỉnh xong, trở lại lán, nhiều bạn đồng hành của tôi đã về sớm, nhưng cũng có người về khi trời đã tối. Đi bộ trong rừng tối, đường trơn, trời mưa… một trải nghiệm thót tim…
Lảo Thẩn – nóc nhà của Y Tý
Người ta bảo phải có hai hòn đá mới có thể đánh ra lửa, và phải có tinh thần đồng đội, sự hợp tác thì có thể đạt được những điều tuyệt vời. Trong những lúc mệt mỏi khi chinh phục các đỉnh núi, tôi vẫn thấy quanh mình mọi người chia sẻ cho nhau từng cái bánh, chai nước, thuốc nọ thuốc kia. Thậm chí chẳng may có người bị chấn thương, đi chậm, có người ở lại cùng porter dìu về…
Không thiếu những lời động viên nhau để cùng vượt qua nhưng khó khăn, nhất là đoàn chúng tôi đi nhiều lúc gặp mưa, lạnh và bùn lầy. Khi bạn gặp muôn vàn khó khăn lúc leo núi cũng chính là còn là mảnh đất màu mỡ thể hiện thế giới khác bên trong bạn, thế giới của lòng trắc ẩn, giúp đỡ mọi người xung quang, đó là những điều vô giá.
Nằm trên độ cao 2.860 m, đỉnh Lảo Thẩn được xem như nóc nhà của Y Tý, thuộc địa phận thôn Phìn Hồ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Lảo Thẩn với đỉnh Nhìu Cồ San là cặp núi mẹ và núi bố mà người Mông gọi nó là Hâu Pông San. Đây cũng là một địa điểm săn mây lý tưởng.
Lảo Thẩn – nơi mặt trời mọc sớm nhất và đi ngủ muộn nhất ở Y Tý. Để đặt chân lên trên nóc nhà Y Tý, chúng tôi phải leo quãng đường dài 8 km lên đỉnh, mất ít nhất 6 tiếng. Còn muốn săn mây trên đỉnh Lảo Thẩn, chúng tôi phải leo núi buổi chiều và ngủ lại qua đêm trên đỉnh để sáng hôm sau dậy sớm đón bình minh, ngắm mây trắng bay cuồn cuộn.
Nhìu Cồ San – thảo nguyên trên mây
Nhìu Cồ San là ngọn núi cao thứ 9 Việt Nam với độ cao 2.965 m, thuộc bản Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai. Ngọn núi này là một trong những địa điểm còn hoang sơ với những cánh rừng nguyên sinh và thảm thực vật phong phú mang tới nhiều cảnh quan khác nhau. Nơi đây có thác nước rất đẹp như tấm dải lụa từ trên trời thả xuống. Người ta dễ ngẩn ngơ với con đường mòn len trong khu rừng rậm rạp với những lớp đá rêu phong dưới chân, tầm nhìn rộng với núi non hùng vĩ. Nhìu Cồ San xứng đáng là một trong những ngọn núi ở phía bắc cần chinh phục.
Nhìu Cồ San còn được biết đến dưới tên gọi núi Sừng Trâu, bởi nó còn có một ngọn núi khác cao gần bằng ở bên cạnh. Hai ngọn núi này đứng cạnh nhau nhìn giống sừng trâu. Chính vì vậy, thế giới trên mây ở đây khác biệt với các ngọn núi khác. Đứng đây bạn có thể nhìn cả một thác mây khổng lồ đang chảy nhờ một chiếc sừng trâu bên cạnh tạo ra.
Từ Sàng Ma Sáo bạn phải đi mất 7 km qua con đường toàn sỏi và đá đến với bản Nhìu Cồ San bắt đầu cuộc hành trình. Để “chạm tay” vào sừng trâu chúng tôi phải leo 9 km, mất khoảng 8 giờ để đến nơi. Thông thường ai đến đây cũng ngủ lại tại lán trong rừng để sớm hôm sau chinh phục sớm ngắm bình minh và biển mây trên đỉnh núi.
Lùng Cúng – con đường dã ngoại tuyệt đẹp trên mây
Người ta thường bảo nhau “thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương” nhưng tôi nghĩ chính xác phải là “thiên nhiên sẽ chữa lành mọi vết thương”. Leo núi để thấy mình không chỉ được sống. Bởi xét cho cùng, con người vốn được sinh ra từ thiên nhiên.
Khi bạn trở về, đặt mình vào giữa lòng thiên nhiên, dù vô thức hay không bạn thấy mình thật là nhỏ bé và cảm giác ngang hàng với mọi sinh vật sống. Nó giúp bạn thấy mọi điều trở nên nhẹ nhàng hơn, lấy lại tinh thần lạc quan nội tại và mang đến sức sống tươi mới sau mỗi chuyến đi.
Nằm ở độ cao 2.913 m, đỉnh Lùng Cúng được đặt theo tên một bản làng nằm sâu trong vùng núi hiểm trở những đẹp mê mải ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái.
Để chinh phục ngọn núi này, chúng tôi phải ngồi sau xe máy 15 km đường trơn trượt, con tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Nhiều đoạn ko thể ngồi trên xe mà phải xuống đi bộ trong thời tiết mưa phùn và mù.
Nhưng sau khi vất vả leo lên độ cao hơn 2.300 m, điều kỳ diệu xảy ra. Chúng tôi ngỡ ngàng: “Đây đúng là thiên đường của các thiên đường”.
Ánh nắng ấm áp, chan hòa. Cả một dòng sông mây trắng đùa giỡn dưới chân, như không hề biết và mảy may suy nghĩ ở dưới mặt đất kia lạnh và ướt thế nào… Trái tim tôi tưởng như vỡ oà.
Mặc dù vậy, đây là một ngọn núi tương đối dễ chinh phục. Chúng tôi đã leo thẳng lên tới đỉnh trong ngày với 7 km và mất 6 giờ đồng hồ, để ngắm hoàng hôn rồi về lán nghỉ. Sáng sớm hôm sau từ lán chúng tôi tiếp tục leo trong khoảng 1 giờ để tới đỉnh ngắm bình minh trong biển mây.
Thiên nhiên còn nhiều điều kỳ diệu
Sau vô số lần leo núi và hồi tưởng về các chuyến đi. Tôi nhớ về những sớm tinh mơ, màn đêm đen kịt, leo núi trong sương lạnh, mây mù và những ngọn gió vô danh… Vất vả “hành quân” chỉ để ngắm núi trùng trùng muôn vạn hùng binh.
“Núi đi trong sương lạnh, núi đi trong mây mù, núi đi trong gió cuốn, núi lặng lẽ ngắm mình thung sâu, núi bí ẩn đàn đàn mã phục, núi trùng trùng muôn vạn hùng binh”.
Nhớ những cảm giác đêm ở rừng lạnh sống lưng, thật khó ngủ. Nhớ cái cảm giác bất lực khi chân quá đau, lưng bị mỏi mà vẫn không biết bao giờ mới xuống được núi.
Nhớ những chuyến leo núi trong mưa tầm tã, lạnh, đường trơn và chân ngập trong bùn lầy.
Nhớ những bữa ăn trưa tạm trên đường mà không thể nhóm lửa vì gió quá to.
Nhớ cảm giác bao lần định đầu hàng, hay những lúc gặp khó khăn, mệt mỏi nhất trên núi, nghĩ rằng mình sẽ không leo tiếp ngọn núi nào nữa…
Đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới nhưng môn thể thao leo núi dường như vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Thậm chí, nhiều người còn nghĩ rằng đó đơn giản chỉ là một tên gọi khác của “phượt” mà thôi. Thực chất, leo núi là một hình thức du lịch mạo hiểm, là môn thể thao dã ngoại mà những người tham gia không có bất cứ một phương tiện di chuyển nào khác ngoài chính đôi chân của mình.
Bạn leo núi không phải để thế giới thấy bạn mà để bạn có thể nhìn thấy thế giới kỳ diệu của chính bản thân mình. |
Khi tự vượt qua những quả đồi, ngọn núi, cao nguyên, thôn dã xa lạ, chúng tôi phải chấp nhận khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Và chắc hẳn cũng sẽ không thiếu những lần chán nản, mệt mỏi tưởng chừng như có thể bỏ cuộc.
Nhưng cái cảm giác tiệm cận tới thế giới kỳ diệu bên trong bạn, tiếp xúc những mảnh ghép rất đẹp, rất hoang sơ và thuần khiết của rừng núi, thiên nhiên quả thật xứng đáng gầp ngàn lần sự gian lao mà chúng tôi đã trải qua.
Theo Zing