Chẳng nồng nàn như hoa bưởi, hoa nhài, chẳng đài các, kiêu sa trong những ngôi nhà kính như hoa hồng, hoa huệ… thì hoa dẻ vẫn có vị trí riêng của mình.
Dẻ là loài cây khiêm nhường, quen sống đời bình dị. Nhiều người nói chúng thường mọc trên những đồi hoang. Nhưng có lẽ, người đời thường bắt gặp chúng trong không gian sống quen thuộc là chốn thôn quê bình dị, mộc mạc với tình làng nghĩa xóm, với những con người chất phác, hồn hậu.
Nhìn bóng cây khẳng khiu nép mình trong gió, tôi vẫn thường tự hỏi: Nếu không có những bông hoa cánh dài rủ xuống mong manh, xoăn nhẹ thì liệu có ai chú ý đến sự tồn tại của loài cây ấy trên đời? Những bông hoa như những chiếc đèn lồng nhỏ xinh toả hương thơm ngan ngát, khi mới trổ thì e ấp xanh, khi đã chắt chiu đủ gió sương sẽ chuyển mình sang màu nắng chính là nét chấm phá duyên dáng, tinh tế mà tạo hoá dành tặng cho loài cây này.
Vì đã quen với cuộc sống bình dị nên mặc cho được trồng trong sân nhà, ngoài cổng ngõ hay có khi bị lãng quên, nằm im lìm trong góc vườn nào đó, hoa dẻ vẫn toả hương, khoe sắc. Để rồi mỗi khi cơn gió vô tình lướt qua, cuốn theo mùi hương thơm mát, dịu dàng ấy, tâm hồn mỗi người lại dâng lên nỗi niềm, cảm xúc bồi hồi, xao xuyến, gợi nhớ gợi thương về miền an yên đong đầy ký ức, hoài niệm.
Nhiều thế hệ học trò đã đi qua tuổi hồn nhiên, trong trẻo cùng với bài thơ “Chùm hoa dẻ” của nhà thơ Xuân Hoài: “Bờ cây chen chúc lá/Chùm dẻ treo nơi nào?/Gió về đưa hương lạ/Cứ thơm hoài, xôn xao!”.
Đâu chỉ có mùi hương, “chùm hoa dẻ” gợi nhớ gợi thương còn bởi những hình ảnh, những kỉ niệm ấu thơ đong đầy: “Bạn trai vin cành hái/Bạn gái lượm đầy tay/Bạn trai túi áo đầy/Bạn gái cài sau nón/Chùm nay hoa vàng rộm/Rủ nhau dành tặng cô/Lớp học chưa đến giờ/Đã thơm bàn cô giáo”.
Bất giác mỉm cười, mùi hoa dẻ vẫn nương theo cơn gió tràn vào tâm tưởng. Nhớ da diết những tháng ngày cùng bạn bè nô đùa dưới gốc cây bàng già rợp bóng mát. Ngôi trường tiểu học với mấy dãy nhà ngang, sân trường còn là nền đất. Lũ học trò tinh nghịch tụm năm tụm ba, bày ra đủ loại trò chơi trên khoảng sân ấy. Nào là chơi ô ăn quan, chơi u, nhảy dây, ném lon, chơi bi… Đứa nào cũng hăng hái, say mê như không hề biết chán, mồ hôi túa ra trên mặt cũng hồn nhiên đưa tay áo lên quẹt ngang, quẹt dọc rồi lại mải miết nhập cuộc, hò hét rộn vang.
Nhớ những tiết tập đọc vanh vách, những bài tập toán phải “huy động” cả 10 đầu ngón chân, ngón tay vẫn thấy khó… Nhớ thầy, cô ân cần, tận tình dạy dỗ… Nhớ cảm giác thèm thuồng que kem mát lạnh bán trước cổng trường giờ tan học. Que kem chỉ có giá 200 đồng mà khao khát suốt một quãng tuổi thơ…
Rất nhiều năm đã trôi qua, những trong trẻo, hồn nhiên đó theo vòng quay hối hả, xô bồ của cuộc sống cuốn đi xa nhưng ký ức, hoài niệm vẫn theo cùng hương hoa giẻ quyến luyến, lắng đọng trong tâm trí mãi không rời. Nơi đó là bến đỗ bình yên để mỗi khi mỏi mệt, rã rời, chúng ta tìm về nương náu, là “liều thuốc tinh thần” để xoa dịu những cơn đau, chữa lành những tổn thương tâm hồn.
Giờ đây, mỗi lần lặng nhìn ra khoảng sân trước nhà, nơi có cây giẻ âm thầm toả hương thơm ngát, dịu dàng mỗi mùa hoa tôi vẫn thường nhớ về miền ký ức trong trẻo, ngọt lành ấy. Bà nội năm nay đã ngoài 90 tuổi, thường thủ thỉ với đứa cháu dâu “hái giúp bà mấy chùm hoa dẻ, bà để ở đầu giường cho thơm”. Bố chồng tôi thường giữ thói quen vào ngày rằm hái vài chùm hoa giẻ đặt vào cái đĩa nhỏ trên bàn thờ thắp hương cho gia tiên.
Và đứa con gái nhỏ của tôi, tuy mới chập chững lên ba nhưng cũng rất thích ngửi mùi hương hoa dẻ. Tôi vui vì điều đó. Dẫu rằng, nó vẫn bị hấp dẫn với những mùi hương công nghiệp, tổng hợp toả ra từ các loại bánh, kẹo và vô vàn thứ khác nữa. Nhưng sau tất cả, những ký ức, hoài niệm về một loài hoa dân dã với mùi hương ngan ngát, dịu dàng sẽ là bến đỗ yên bình theo ta suốt cuộc đời.
Theo Văn hóa & Đời sống