Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc trên đỉnh núi Bà Đen, Tây Ninh được xây dựng từ 6.688 viên đá sa thạch. Mỗi viên đá nặng hàng tấn được điêu khắc chính xác từng centimet, ghép theo kiểu xây dựng kim tự tháp Ai Cập.
Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc là công trình Phật giáo được tôn tạo công phu, thậm chí là không tưởng để trở thành kiệt tác kiến trúc, kỳ tích của ngành kiến trúc và xây dựng. Kiệt tác hiếm hoi này ngự tọa trên đỉnh núi Bà Đen – nóc nhà Nam bộ – ngọn núi thiêng gắn với những huyền thoại và kỳ tích.
Dự kiến 2 năm, hoàn thành trong 9 tháng
Những ngày tháng 7, tháng 8 năm 2023, Tây Ninh mưa dầm dề. Mùa mưa Tây Ninh như dài đằng đẵng với Trần Đức Hòa, trưởng ban quản lý dự án Tây Ninh của tập đoàn Sun Group cùng đội ngũ thi công tôn tượng Bồ Tát Di Lặc. Bởi nỗi lo sạt lở thường trực trên địa hình triền dốc 60 độ và thử thách biến hơn 5.000 tấn đá sa thạch thành kiệt tác để đời trên đỉnh núi Bà Đen.
Sự khắc nghiệt của thời tiết và địa hình không đáp ứng được điều kiện an toàn để thi công, đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng, chính xác khi tạo tác tôn tượng. Một sai sót dù nhỏ 1 centimet cũng có thể “cuốn trôi” đi mọi công sức, thậm chí gây sạt lở cả các công trình hiện hữu.
Theo tính toán của đơn vị thi công, đại công trình Phật giáo lớn hàng đầu thế giới nằm trên đỉnh núi cao hơn 900 m, cần ít nhất 2 năm để hoàn thiện. Trong đó, riêng công đoạn chế tác đá và ốp hoàn thiện mất 400 ngày. Nhưng, đại công trình này được yêu cầu phải hoàn thiện thần tốc chỉ trong 9 tháng. Để ngay những ngày đầu năm mới 2024, du khách có thể chiêm bái vị Bồ Tát Di Lặc đại diện cho tương lai, niềm vui và hạnh hỉ xả khi đến với đỉnh núi thiêng Bà Đen.
Giữa năm 2022, nhận nhiệm vụ giám sát và thi công tôn tượng Bồ Tát Di Lặc được ghép từ 6.688 viên đá sa thạch, mà mỗi viên mang một kích cỡ, tạo hình duy nhất, dường như ngoài sức tưởng tượng của cán bộ ban quản lý dự án Tây Ninh thuộc tập đoàn Sun Group.
Công trình nằm trên đỉnh phân thủy có địa hình dốc lớn của núi Bà Đen, khe tụ thủy chảy xuyên phạm vi địa hình, chia cắt và thay đổi trạng thái địa chất. “Khi khảo sát địa hình địa chất, tôi không hình dung ra làm thế nào để tạo nên bức tượng khổng lồ với trọng lượng lên đến hơn 5.000 tấn, trên vùng địa hình đầy thách thức với rất nhiều đá mồ côi, mà chúng tôi chỉ có chưa đến 300 ngày để giải bài toán này. Đó gần như là một nhiệm vụ bất khả thi”, anh Trần Đức Hòa nhớ lại.
Phương án cọc được lựa chọn, loại máy khoan cọc hơn 100 tấn được sử dụng, biện pháp kết cấu giật cấp được ứng dụng, di chuyển máy móc thiết bị theo chiều gió để đảm bảo an toàn… Bài toán định vị các phần kết cấu móng, dầm, giằng phức tạp lần lượt tìm được lời giải nhờ rất nhiều phương án đòi hỏi sự sáng tạo và kỳ công, để biến điều tưởng như không thể thành có thể.
Lọc lựa, chế tác từng viên đá
Làm kết cấu móng, dầm, giằng của công trình không phải là bài toán khó nhất. Định vị phần vỏ tượng và phần lắp đá mới là thách thức.
Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Quang – Ban Quản lý Thiết kế Tập đoàn Sun Group, đơn vị đã cân nhắc rất nhiều vật liệu, cuối cùng đá sa thạch xanh được lựa chọn, với mong muốn tạo ra được tác phẩm nghệ thuật trường tồn, dù chi phí cao hơn và khó thi công hơn rất nhiều so với các chất liệu thông thường.
Anh Nguyễn Văn Chung đến từ nhà thầu Đá Việt Trung cung cấp đá cho công trình cho biết đây là lần đầu tiên tại Việt Nam đá sa thạch được dùng để xây dựng tượng Phật. Đá sa thạch hình thành từ những hạt cát, trong đó có silic, một phần của đá vôi. Khi chế tác đá sa thạch, người thợ phải có kỹ thuật, tay nghề rất cao và con mắt lành nghề mới có thể dùng búa, đục để cắt bỏ những phần cần bỏ, giữ lại những đường nét đẹp nhất.
Riêng việc đảm bảo nguồn đá sa thạch cho bức tượng Bồ Tát Di Lặc khổng lồ cao 36 m, chiều rộng lớn nhất 45 m, diện tích bề mặt tượng lên đến 4.651 m2, với tổng trọng lượng lên đến 5.112 tấn, là thách thức chưa từng có.
Đơn vị thi công ròng rã nhiều tháng trời đến tất cả các mỏ đá lớn nhỏ nhằm tìm ra những viên đá đảm bảo chất lượng cho công trình để đời. Mỗi viên đá được lọc lựa kỹ lưỡng, kiểm tra màu, vân đá, sau đó được điêu khắc theo mẫu thiết kế với chiều dài 100 – 120 cm, cao trung bình 70 cm, dày 50 cm.
Để tạo hình cho tôn tượng, từng viên đá được xếp chồng lên nhau kiến tạo những đường cong uốn lượn mềm mại, nên khi gia công đòi hỏi từng đường phẳng, đường viền phải cực kỳ ăn khớp và chính xác.
“Từng viên đá, chúng tôi đều đục đẽo thủ công một cách tỉ mẩn như thể đang tạo nên tác phẩm nghệ thuật điêu khắc vậy”, anh Chung chia sẻ.
Tìm đá, điêu khắc đá đã kỳ công, đến quá trình ghép đá mới thật sự thách thức. Kiến trúc sư Phạm Thanh Quang cho biết: “Kiến trúc sư và kỹ sư của chúng tôi phải vừa học hỏi vừa áp dụng công nghệ thiết kế BIM mô hình hóa công trình hiện đại hàng đầu để triển khai phương án thi công. Tất cả các hạng mục kết cấu và những phiến đá đều được mô hình hóa 3D, sau đó được đánh dấu thứ tự cẩn thận rồi chế tác một cách chính xác trước khi được ghép thành khối hoàn chỉnh”.
Từ đá vô tri, tượng Bồ Tát Di Lặc hiện ra sống động
Một bức đại tượng được ghép từ hàng ngàn viên đá sa thạch với đủ loại kích cỡ, là lần đầu tiên có tại Việt Nam, và cũng vô cùng hiếm trên thế giới. Điều này gợi liên tưởng đến cách người Ai Cập cổ đại xây dựng kim tự tháp với các khối đá vôi, đá granite xếp chồng lên nhau đối xứng gần như hoàn hảo về mặt hình học.
Với tôn tượng Bồ Tát Di Lặc, việc ghép 6.688 viên đá sa thạch chính xác đến từng centimet theo kiểu kim tự tháp không phải là nhiệm vụ khó khăn nhất.
Trực tiếp điều phối thiết kế và thi công, anh Bùi Nhất Thi – trưởng bộ phận điều phối thiết kế dự án cho biết có sự khác nhau trong cách lắp đặt mỗi viên đá, trong đó có biện pháp xếp chồng theo kiểu kim tự tháp.
3 cột tháp và 5 robot được sử dụng để vận chuyển và lắp đặt từng viên đá, với mỗi viên nặng gần 1 tấn. Các viên đá được đánh số thứ tự theo lớp để quá trình thi công được đúng vị trí. “Ngoài việc kiểm soát bằng bản vẽ, chúng tôi còn phải định vị theo định dạng từng viên đá để làm sao mỗi viên đá sai số không quá 1 cm”, anh Thi cho biết.
Theo anh Thi, phần ghép đá phức tạp nhất nằm ở các vị trí như mũi, môi và hai bàn tay tôn tượng. Các kỹ sư phải dùng đến biện pháp vô cùng phức tạp, đó là treo ngược đá.
“Biện pháp treo đá ngược có nhiều, nhưng ở tôn tượng Bồ Tát Di Lặc thì tôi chưa thấy bao giờ, bởi không chỉ mỗi viên đá có trọng lượng lên đến cả tấn, mà còn đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối để đảm bảo linh hồn và thần thái an nhiên, hoan hỉ của tôn tượng Di Lặc. Với mỗi viên đá treo ngược ở vị trí khó, có khi chúng tôi phải mất đến 3 – 4 ngày để hoàn thành”, anh Thi chia sẻ.
Từ những viên đá sa thạch vô tri, tôn tượng Bồ Tát Di Lặc khổng lồ hiện ra vô cùng sống động, với nụ cười hoan hỉ, ánh mắt từ ái, dáng ngồi an yên, đẹp và sinh động như tác phẩm nghệ thuật điêu khắc.
Theo Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM: “Có thể nói, đây là một kiệt tác không chỉ của Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng chưa có tác phẩm tinh tế đến như vậy”.
_____________________________
Những con số ấn tượng của tôn tượng Bồ Tát Di Lặc
Cao: 36 mét
Nặng: 5.112 tấn
Diện tích bề mặt tượng: 4.651 m2
Nơi an vị: tại độ cao hơn 900 m
Thời gian hoàn thiện: 270 ngày