Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023 sẽ khai mạc vào ngày 4/8 tới. Người dân quan tâm điều gì ở lễ hội sông nước đầu tiên này?
Theo ban tổ chức, Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023 tổ chức từ ngày 4 – 6/8 là chuỗi hoạt động văn hóa – giải trí – nghệ thuật đặc sắc diễn ra bên sông Sài Gòn. Chương trình kết hợp với các hoạt động trải nghiệm, khuyến mãi mua sắm, kích cầu giảm giá vé biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động hưởng ứng khác.
Chuỗi hoạt động văn hóa – giải trí – nghệ thuật đặc sắc diễn ra bên sông Sài Gòn. Ảnh: Xuan Dong
Các hoạt động diễn ra ở đâu?
1.Di tích Cột cờ Thủ Ngữ, quận 1.
Đây là nơi tổ chức buổi khai mạc Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023.
2. Cảng Sài Gòn – Cảng Hành khách tàu biển
Tổ chức chương trình nghệ thuật Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023.
3. Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Thị Nghè.
4. Khu vực dọc bờ kè tuyến đường Bến Bình Đông, phường 13, quận 8
Cùng tổ chức không gian “Trên bến dưới thuyền”.
5. Bến Bạch Đằng, số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1.
Tổ chức các hoạt động thể thao dưới nước.
6. Công viên bến Bạch Đằng; Công viên Lam Sơn
Tổ chức không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian.
7. Từ cảng Sài Gòn đến Landmark 81
Hoạt động diễu hành trên sông.
Điểm nhấn của lễ hội là gì?
Theo ban tổ chức, điểm nhấn của sự kiện là chương trình nghệ thuật Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023, chủ đề “Sài Gòn – Dòng sông kể chuyện” vào lúc 20g ngày 6/8 tại Cảng Sài Gòn – Cảng Hành khách tàu biển.
Đây là chương trình thực cảnh đầu tiên của TP.HCM, tái hiện sự hình thành của tự nhiên, con người qua các thời kỳ phát triển của Gia Định – Sài Gòn – TP.HCM và dòng sông chính là một chứng nhân.
Câu chuyện được kể bằng sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, âm nhạc, vũ kịch, ánh sáng, điện ảnh đậm sắc màu văn hóa – nghệ thuật, giải trí kết hợp cùng các công nghệ trình diễn hiện đại.
Chương trình diễn ra trên dòng sông thật, thương cảng thật, những con thuyền thật, con người thật, bối cảnh thật và những câu chuyện thật cùng cảm xúc chân thật nhất được nâng tầm thành nghệ thuật.
Thực cảnh sông nước có gì đặc sắc?
Câu chuyện lịch sử của Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM được trải dài theo chiều không gian và thời gian. Dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm của vùng đất này được kể trong 5 chương nghệ thuật: Khẩn hoang – Mở cõi – Trên bến dưới thuyền – Hòn ngọc Viễn Đông – Rực rỡ Thành phố bên sông.
Chương trình có sự tham gia của 700 diễn viên và nghệ nhân dân gian cùng ekip các đạo diễn, chuyên gia, cố vấn, nghệ sĩ hàng đầu.
Đêm nghệ thuật thực cảnh sử dụng công nghệ 3D, mapping lên toàn bộ phần sàn của bối cảnh trên bờ; hệ thống nhạc nước lập trình theo âm nhạc; hệ thống ánh sáng được tính toán công phu, chi tiết theo từng tiết mục.
Ban tổ chức hé lộ, ekip đạo diễn đi tìm lại những chiếc ghe bầu cổ từ miền Trung, phục dựng những cánh buồm xưa, huy động hơn 40 chiếc xuồng ba lá và tam bản để tái hiện khung cảnh chợ hoa bến Bình Đông ngày tết.
Màn diễu hành với hơn 30 tàu thuyền du lịch các loại, từ cano, thuyền buồm, tàu nhà hàng đến tàu du lịch, water bus… là hình ảnh ẩn dụ cho sự phát triển phồn thịnh mà ngành du lịch sẽ mang lại cho dòng sông Sài Gòn.
Chương cuối là màn trình diễn của công nghệ hiện đại với hệ thống đèn laser công suất lớn, flyboard, kết hợp cùng drone show và pháo hoa trên trời cùng ánh sáng từ hàng chục tàu thuyền lớn trên sông.
Người dân tham dự thế nào?
1. Người dân, du khách tham quan và mua sắm tại hai khu vực “Trên bến dưới thuyền” ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Thị Nghè; và khu vực dọc bờ kè tuyến đường Bến Bình Đông, phường 13, quận 8.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nơi tổ chức không gian “Trên bến dưới thuyền”. Ảnh: Xuan Dong
Những nơi này có các hoạt động:
Trưng bày, giới thiệu nông sản, đặc sản, trái cây các vùng miền;
Hoạt động nghệ thuật dân gian vào ban ngày, các chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử vào ban đêm, ngày 4 và 5/8;
Trang trí ánh sáng nghệ thuật dọc kênh;
Các gian hàng giới thiệu ẩm thực vùng miền, bánh dân gian, trái cây ngon, sản phẩm đặc trưng…;
Hoạt động nghệ thuật dân gian và các chương trình biểu diễn nghệ thuật, tối 4 và 5/8.
2. Tham quan không gian văn hóa, văn nghệ, các loại hình nghệ thuật di sản văn hóa dân tộc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể; tham gia trò chơi dân gian, tại Công viên bến Bạch Đằng, Công viên Lam Sơn.
3. Tham dự chương trình công bố sản phẩm du lịch đường thủy và tour kích cầu du lịch TP.HCM, trải nghiệm sản phẩm du lịch.
Dự kiến có 30 – 50 chương trình tour kích cầu du lịch TP.HCM được công bố; giới thiệu các sản phẩm du lịch đường thủy mới và tổ chức chương trình khảo sát cho các doanh nghiệp, khách hàng tiềm năng trải nghiệm sản phẩm.
4. Thưởng thức quang cảnh diễu hành trên sông Sài Gòn.
Hoạt động diễu hành trên sông diễn ra từ 19g00 – 19g40 ngày 4, 5/8 và từ 21g – 21g40 ngày 6/8.
Từ cảng Sài Gòn đến Landmark 81 sẽ có 30 – 40 tàu thuyền của các đơn vị đang khai thác du lịch trên sông Sài Gòn trang trí rực rỡ diễu hành dọc bờ sông để quảng bá về lễ hội và hoạt động du lịch trên sông của TP.HCM.
5. Người dân và du khách trải nghiệm các hoạt động thể thao dưới nước tại Bến Bạch Đằng, số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1.
6. Thưởng lãm, chụp ảnh trang trí ánh sáng nghệ thuật, mô hình, cụm tiểu cảnh.
Diễn ra tại các bến tàu, cầu cảng tại khu vực Công viên bến Bạch Đằng và dọc bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè: tại bến tàu, cầu cảng tại khu vực Công viên bến Bạch Đằng; dọc bờ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, với các chủ đề hưởng ứng lễ hội.
Các mô hình, cụm tiểu cảnh mang biểu tượng TP.HCM ở khu vực trung tâm thành phố, từ ngày 4 đến 6/8 tại Công viên Lam Sơn, Công viên 30/4, Cảng Sài Gòn – Cảng Hành khách tàu biển, kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè và các địa điểm tổ chức lễ hội.
7. Các hoạt động khác hưởng ứng lễ hội.
Chương trình khuyến mãi mua sắm cho du khách và người dân trong thời gian diễn ra lễ hội trên địa bàn thành phố;
Chương trình kích cầu giảm giá vé các chương trình biểu diễn nghệ thuật, Lễ hội Trái cây Nam bộ;
Triển lãm phim tài liệu chào mừng 160 năm hình thành, phát triển Cảng Sài Gòn và các hoạt động hưởng ứng lễ hội của các quận huyện trên địa bàn thành phố.