Những món ăn quen thuộc, được dùng hằng ngày của người Việt, không ai nghĩ rằng được công nhận, đánh giá đạt giá trị ẩm thực châu Á.
Tổ chức VietKings cho biết đang thực hiện hành trình tìm kiếm và quảng bá các giá trị đặc biệt của Việt Nam, đặc biệt là các giá trị ẩm thực, đặc sản. Đã có nhiều món ăn, nhóm món ăn, đặc sản Việt được công nhận theo bộ tiêu chí xác lập đạt giá trị ẩm thực châu Á.
Dưới đây là những món ăn Việt được công nhận gần đây.
Cơm tấm Long Xuyên
Điểm đặc biệt của cơm tấm Long Xuyên là được nấu bằng hạt tấm nhuyễn, nhỏ nên tạo độ bùi. Cơm tấm không nấu theo cách thông thường mà được hấp cách thủy, liên tục canh chừng để thêm nước vừa đủ để cơm chín đều và không bị nhão.
Cơm tấm Long Xuyên nhìn ngon mắt
Các thành phần ăn kèm theo cơm tấm đều được cắt nhỏ dạng sợi. Thịt dùng cho cơm tấm Long Xuyên là phần thịt đùi heo loại mềm, được tẩm ướp rồi đem khìa chín, sau đó cắt thành sợi. Cọng bì cũng nhỏ và ngắn hơn. Trứng kho cũng được cắt lát. Ngoài ra, còn có mỡ hành và chén nước mắm ớt chua ngọt.
Cơm tấm Long Xuyên là một biến thể của món cơm tấm quen thuộc, đặc biệt là ở TP.HCM. Ngày nay, cơm tấm Long Xuyên nổi tiếng gần xa, nhiều người tìm đến tỉnh An Giang du lịch để thưởng thức món cơm tấm này.
Xôi chiên phồng
Biên Hòa (Đồng Nai) được xem là nơi sản sinh ra món ăn này. Khác với các loại xôi thông thường, xôi chiên phồng được chế biến có phần công phu và tỉ mỉ hơn. Sau khi đồ chín, xôi được giã và nhồi với đường và đậu xanh, sau đó chiên phồng lên.
Xôi chiên phồng nhìn đơn giản nhưng chế biến khá tỉ mỉ
Nhồi và chiên là hai khâu quan trọng nhất trong quá trình làm món ăn này. Người chiên phải kiên trì, khéo léo và đều tay xoay trở thì xôi mới phồng tròn đều, chín vàng cả ngoài lẫn trong. Khi cắt ra không có phần xôi dư, cắn vào miếng xôi thấy giòn nhưng vẫn giữ được sự mềm mại của nếp, vị ngọt nhẹ của đường và mùi thơm của các nguyên liệu quyện lại.
Xôi chiên phồng có hình cầu vàng ruộm, căng phồng, sau đó được cắt ra thành từng miếng mỏng ngoài giòn, trong mềm dẻo, ăn kèm với gà đút lò hoặc gà quay.
Các loại bánh dân gian Cần Thơ
Bánh dân gian Cần Thơ có hàng trăm loại, như: Bánh tằm bì, bánh ướt, bánh in, bánh đùm, bánh còng, bánh bột nếp, bánh gói, bánh hẹ, bánh da lợn, bánh bột rán, bánh ít nước tro, bánh lá mít, bánh lá mơ, bánh kẹp ngò, bánh chuối hoa cúc, bánh lọt, bánh con sùng ngũ sắc,…
Cần Thơ có hàng trăm loại bánh dân gian đặc sắc
Các loại bánh dân gian Cần Thơ có lịch sử lâu đời, từ thuở khai hoang mở đất. Từ nguồn nguyên liệu tự nhiên như gạo, nếp, khoai, củ… người dân chế biến thành những món bánh vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng.
Đối với người dân Cần Thơ, bánh không chỉ để ăn mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa lâu đời cần được gìn giữ và phát huy. Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ được tổ chức thường niên (tính đến nay đã tổ chức lần thứ 10) là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn và đưa bánh dân gian Nam bộ gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Bánh phu thê Đình Bảng
Phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng với đặc sản bánh phu thê có từ lâu đời. Bánh phu thê Đình Bảng sử dụng nguyên liệu quen thuộc như gạo nếp, đỗ xanh, quả dành dành, đu đủ, hạt sen, dừa… nhưng lại mang đến hương vị dẻo thơm riêng biệt.
Bánh phu thê biểu trưng cho sự son sắt tình chồng vợ
Để làm nên chiếc bánh dẻo, thơm, vỏ nhân hòa quyện, người thợ bánh phải khéo léo và kinh nghiệm trong từng công đoạn. Vỏ bánh làm từ gạo nếp cái hoa vàng, nhân được làm bằng đậu xanh đãi sạch vỏ, giã nhuyễn trộn với đường cát trắng, nước cốt dừa và dừa nạo. Sau khi gói, bánh được đun chín và vớt ra buộc lại từng cặp bằng một chiếc lạt màu hồng với ý nghĩa cầu mong cho tình cảm vợ chồng mãi nồng thắm.
Tương truyền, tên gọi bánh phu thê xuất phát từ sự tích vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng nên đã đặt tên bánh là bánh phu thê.
Từ tên gọi ấy, bánh phu thê luôn được buộc thành cặp, biểu trưng cho sự gắn bó son sắt của tình chồng vợ. Bánh phu thê không thể thiếu trong ngày tết, lễ hội và mâm cỗ cưới hỏi, kết duyên.