Bạn chắc đã quen với việc tiếp cận, nhìn thấy những danh sách món ăn được bình chọn là ngon nhất, ấn tượng nhất… Nhưng có cả danh mục món ăn được đánh giá là dở nhất Việt Nam nữa đó.
Trang TasteAtlas vừa công bố bảng xếp hạng 10 món ăn được đánh giá tệ nhất Việt Nam. Kết quả này căn cứ theo bình chọn của độc giả trang TasteAtlas. Theo đó, danh sách “10 món ăn Việt bị đánh giá tệ nhất” tính đến ngày 17/10/2023, có 3.870 lượt bình chọn, trong đó có 2.572 lượt được hệ thống công nhận là hợp lệ.
Trang này cho biết, bảng xếp hạng của TasteAtlas không nên được coi là kết luận toàn cầu cuối cùng về thực phẩm. Mục đích là quảng bá những món ăn ngon của địa phương, khơi dậy niềm tự hào về những món ăn truyền thống và khơi dậy sự tò mò về những món ăn mà bạn chưa từng thử.
Dưới đây là 10 món dở nhất. Theo bạn thì thế nào?
10. Bún chả cá
Bún chả cá là món bún truyền thống của Việt Nam, là đặc sản của Đà Nẵng. Theo truyền thống, nước dùng của món bún này được chế biến từ xương cá hoặc xương heo và cà chua. Trong khi đó, chả cá được chế biến từ những miếng phi lê cá trắng đậm đà, nhiều thịt và săn chắc.
Các thành phần khác trong món bún này gồm: bún, nước mắm, hành tây, tỏi, ngò, thì là, mắm tôm, tiêu đen. Nước dùng nóng được rưới lên sợi bún, sau đó cho thêm chả cá lên trên. Bún chả cá đặc biệt phổ biến ở các khu vực cư dân ven biển.
9. Xôi gấc
Món ăn truyền thống này là sự kết hợp giữa gạo nếp và gấc, một loại trái cây nhiệt đới màu đỏ đậm. Nước từ trái gấc xay nhuyễn được trộn với gạo nếp nấu thành xôi dẻo, có thêm nước cốt dừa và đường. Điểm đặc trưng của xôi gấc là có màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng. Đây cũng là lý do món này thường có mặt trong nhiều dịp đặc biệt, như đám cưới và dịp Tết Nguyên đán.
Mặc dù có vị ngọt nhẹ nhưng xôi gấc thường được ăn kèm với các món mặn như chà bông (thịt heo khô), chả lụa.
8. Chè chuối
Chè chuối là món tráng miệng đơn giản, nguyên liệu gồm khoai mì và chuối hoặc chuối cắt lát loại nhỏ, chín và ngọt thường thấy ở Đông Nam Á. Bột sắn và chuối kết hợp với nước cốt dừa, cho ra vị ngọt, một số người còn vào thêm hương vị của lá dứa.
Nước cốt dừa mang lại vị béo ngậy, trong khi bột sắn mang lại cho món tráng miệng này sự đậm đặc giống như bánh pudding. Chè chuối thường được múc ra ăn bằng chén, đôi khi được trang trí thêm bằng đậu phộng nghiền hoặc hạt mè.
7. Cháo lòng
Cháo lòng là món ăn kết hợp giữa gạo nấu với nước luộc xương heo và các loại nội tạng heo như gan, thận, lá lách, ruột hoặc tim. Cháo lòng ngon khi ăn nóng, kèm lòng heo cắt lát, có thể ăn thêm quẩy. Tô cháo ngon phải vắt chanh, rắc hành lá, bỏ ớt xay, tùy sở thích, khẩu vị, có thể ăn chung với giá. Cháo lòng ăn với rau thơm, chấm nước mắm gừng.
Trong tô cháo lòng còn có món không thể thiếu là huyết đông. Cháo long là món ăn phổ biến, giá rẻ, có thể thấy ở khắp nơi.
6. Bánh trôi
Bánh trôi là món tráng miệng truyền thống, là những viên bột tròn nhỏ làm từ gạo nếp thơm ngon bọc bên ngoài lớp nhân ngọt. Thứ bột dẻo của bánh trôi được làm bằng hỗn hợp bột gạo tẻ và bột nếp hòa với nước.
Bột dẻo quấn lớp nhân, vo tròn và nấu cho đến khi những viên tròn này nổi lên trên bề mặt. Bánh trôi ăn ngôn khi vừa chế biến xong, rắc mè rang hoặc dừa nạo bên trên. Món tráng miệng truyền thống này thường gặp ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội.
5. Bún đậu mắm tôm
Thành phần chính của món này gồm bún, đậu hủ chiên và mắm tôm. Những thành phần này để riêng, ăn cùng với nhiều loại rau thơm. Bún đậu mắm tôm hiện nay còn có thêm thịt heo luộc xắt lát. Trước khi ăn, mắm tôm phải được vắt chanh, quất khuấy đều lên cho sủi bọt.
Bún đậu mắm tôm phổ biến ở miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội. Món ăn này được phục vụ trong các hàng quán, nhưng đây cũng là món ăn đường phố từ những người bán hàng rong.
4. Thịt đông
Thịt đông được chế biến bằng thịt heo luộc cùng các thành phần khác như chân giò, da heo, cà rốt, nấm và nhiều loại gia vị khác nhau. Sau khi nấu chín, hỗn hợp này được để đông cho đến khi đạt được kết cấu thạch đặc trưng.
Đây là món ăn đặc trưng của người miền Bắc, thường được dùng vào dịp Tết Nguyên đán. Thịt đông ngon nhất khi ăn kèm với dưa hành, dưa cải muối và cơm trắng.
3. Bánh đậu xanh
Bánh đậu xanh có nguồn gốc từ tỉnh Hải Dương. Sự kết hợp của đậu xanh, dầu thực vật hoặc mỡ heo, đường và hương liệu tạo ra chiếc bánh đặc như kẹo mềm, mịn. Nhiều người cho rằng chiếc bánh này xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1920, từ đó, sự kết hợp nguyên liệu đơn giản này làm nên một món ngọt được yêu thích ở địa phương và sau đó nổi tiếng khắp cả nước.
Theo truyền thống, bánh đậu xanh được dùng kèm với trà xanh hoặc trà sen.
2. Bún mắm
Bún mắm có nguồn gốc từ tỉnh Sóc Trăng. Món ăn bao gồm bún, nước dùng nấu từ mắm có vị mặn, lên men, cùng mực, tôm, cá da trơn, cà tím, chả cá và thịt ba chỉ.
Các thành phần quan trọng khác không thể thiếu trong tô bún mắm là rau đắng, giá, hẹ, bắp chuối, rau nhút, rau muống… Bún mắm có mùi thơm đậm đà và thường rất hăng.
1. Tiết canh
Món ăn có màu đỏ rực này được chế biến từ tiết động vật tươi trộn với nước mắm. Hỗn hợp này cô đặc lại, được tẩm ướp gia vị, kết hợp với thịt, nội tạng xắt nhỏ. Khi hoàn thành, món tiết canh đặc sệt lại nhìn như một loại bánh pudding, được trang trí bên trên bằng đậu phộng giã nát, rau thơm.
Món ăn này khá phổ biến và gây ra những tranh cãi do người ăn có nguy cơ nuốt phải vi khuẩn trong huyết tươi.