Lẩu thả Phan Thiết (Bình Thuận) vừa được công nhận đạt giá trị kỷ lục châu Á. Món lẩu này có gì đặc biệt để quốc tế thừa nhận chất lượng?
Lẩu thả có xuất xứ từ bữa ăn của ngư dân vùng biển Mũi Né, Phan Thiết. Theo đó, ngư dân thường dùng xô sắt, thả vô những nguyên liệu kiếm được từ biển, sau đó đổ nước nấu lên thành lẩu. Lâu ngày, người dân gọi là lẩu thả.
Món lẩu thả bài trí hấp dẫn, ngon miệng
Giờ đây, lẩu thả nâng tầm thành đặc sản địa phương, hấp dẫn du khách.
Sử dụng sáng tạo nguyên liệu biển cả
Món lẩu thả là sản phẩm của sự sáng tạo và cách sử dụng hiệu quả các nguyên liệu tươi ngon từ biển.
Có nhiều nguyên liệu làm nên món lẩu thả, trong đó nguyên liệu chính, quan trọng nhất là cá mai. Một số biến thể gồm cá đục, cá suốt, có nhiều ở địa phương.
Nguyên liệu chính gồm cá mai và nhiều phụ liệu đi kèm
Để có món lẩu thả ngon, chuẩn vị, người Phan Thiết lựa chọn mẻ cá mai còn tươi, kích cỡ đồng đều.
Những con cá mai nhỏ bằng ngón tay, được làm sạch, sơ chế nhanh để giữ độ tươi. Sau đó, đầu bếp dùng dao sắc để lọc phi-lê rồi nhúng tái qua nước chanh. Thao tác này giúp khử mùi tanh của cá.
Sau đó, cá được ướp với hỗn hợp nước gừng, ớt, tỏi giã nhỏ. Đến khâu này, cá mai chuyển màu hồng nhạt hấp dẫn, thịt săn chắc, đậm đà.
Món ăn hàm chứa triết lý ẩm thực Việt
Những phụ liệu nhúng vào lẩu thả rất đa dạng, như: thịt ba chỉ luộc cắt thành sợi, trứng chiên cắt sợi, bánh tráng nướng, bún tươi, khế chua, xoài xanh cùng nhiều loại rau ăn kèm khác.
5 loại gia vị được chọn gồm: cay, chua, đắng, mặn, ngọt
Nguyên liệu chính và phụ liệu được đặt trong các bẹ chuối, bày biện hấp dẫn, tăng cảm giác ngon miệng, gợi cảm xúc về cuộc sống thường ngày của ngư dân Phan Thiết.
Lẩu thả còn hàm chứa triết lý ẩm thực Việt Nam. Theo đó, bữa ăn là sự kết hợp hài hòa của các thành phần biểu thị cho 5 yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Tương ứng, 5 loại gia vị được chọn để chế biến gồm: cay, chua, đắng, mặn, ngọt.
Từ đó, món ăn thu hút và đánh thức 5 giác quan: hấp dẫn trực quan, hài hòa cho đôi mắt, dễ chịu cho hương vị và mùi thơm cho mũi.
Đặc sản địa phương vươn tầm châu Á
Có hai cách thức thưởng thức lẩu thả phổ biến. Cách thứ nhất là ăn khô, với bún cùng các nguyên liệu bỏ vô chén, rưới nước xốt lên trên, trộn đều. Nước xốt làm từ chuối sứ, tỏi, me khô, ớt và đậu phộng rang, thơm béo, đậm đà và sánh mịn.
Từ món ăn của ngư dân, giờ đây lẩu thả đạt tầm giá trị quốc tế
Cách thứ hai là ăn nước, dùng bún gạo chan nước dùng nấu trên bếp than hồng. Nước dùng được chế biến đơn giản, nấu từ tôm, xương, cà chua, dứa, hành tây tạo vị ngọt thanh, chua tự nhiên.
Người ăn chọn nguyên liệu ưa thích, cho vô chén, chan nước lẩu đang sôi lên trên và thưởng thức cùng nước chấm. Cách ăn này khác với kiểu nhúng nguyên liệu vào nồi nước dùng như các món lẩu khác.
Lẩu thả Phan Thiết có vị tươi của cá, vị béo của thịt, vị thanh của các loại rau hòa với nước chấm đặc sánh, thơm lừng. Tất cả làm nên món lẩu thả được công nhận đạt giá trị ẩm thực châu Á.