Có nhiều thay đổi về chiến lược cách ly, xét nghiệm và điều trị phù hợp với thực tiễn, được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 16/7.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin về một số thay đổi cơ bản trong phòng, chống dịch hiện nay.
Về cách ly: Giảm thời gian cách ly, dù có rủi ro nhưng chấp nhận rủi ro ở mức thấp. Đồng thời thí điểm cách ly F1 tại nhà, có thể áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế nếu đảm bảo các tiêu chí, thay đổi trong xét nghiệm.
Về xét nghiệm: Trước đây chủ yếu sử dụng xét nghiệm PCR, nay sử dụng test nhanh là chính, để tối ưu hóa vấn đề xét nghiệm, trả kết quả nhanh, đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt. Lý do: đặc tính virus phát tán mạnh, một người nhiễm, cả gia đình và những người có tiếp xúc gần có thể bị nhiễm.
Để tiết kiệm test nhanh, Bộ Y tế kiến nghị có thể gộp mẫu trong test nhanh, nhất là TP.HCM nơi có tỷ lệ nhiễm cao. Khu vực có diễn biến phức tạp, có thể sử dụng test nhanh gộp 3-5 mẫu trong một test.
Về điều trị bệnh nhân Covid-19: Bộ Y tế thiết lập phần tầng theo các khu vực khác nhau.
– Khu vực dành cho điều trị bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng, điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu phù hợp với diễn tiến bệnh.
– Đối với bệnh nhân có triệu chứng, chuyến đến điều trị tại các cơ sở y tế.
– Bệnh nhân nặng, rất nặng chuyển đến điều trị tại các bệnh viện đa khoa, bệnh viện dã chiến có đơn vị điều trị hồi sức tích cực (ICU).
Nếu bệnh nhân không triệu chứng có 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc 2 lần xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số nồng độ vi rút thấp (giá trị CT >=30), thì được xuất viện. Các trường hợp này vẫn phải theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày.
Với trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phát hiện tại cộng đồng, nếu giá trị CT>=30 thì chuyển đến cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm lần 2 sau 24h. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính hoặc dương tính nhưng giá trị CT>=30 thì bệnh nhân được xuất viện và thực hiện theo dõi, giám sát y tế như trên.
Về công tác tiêm vaccine Covid-19: Việt Nam đã đàm phán thành công được khoảng 170 triệu liều vaccine phòng Covid-19 từ các nguồn khác nhau.
Do mức độ khan hiếm của vaccine, có những hợp đồng mua từ tháng 11/2020, có những cam kết thoả thuận từ tháng 9/2020 nhưng đến nay Việt Nam mới bắt đầu nhận được những lô vaccine theo cam kết. Tình trạng nguồn cung vaccine hạn chế sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9/2021.