Khi có dịp trở về quê nhà hồi đầu năm, Nguyễn Ngọc Ga đã tranh thủ thời gian ghi lại vẻ đẹp yên bình của Quảng Ngãi.
Nguyễn Ngọc Ga, nhiếp ảnh gia sinh sống ở Đà Lạt (Lâm Đồng) vẫn thường dành một lần trong năm để về thăm quê nhà Quảng Ngãi. Rời xa những con phố tấp nập du khách ở Đà Lạt, anh được cảm nhận hơi thở yên bình trong những ngày về quê.
“Quê ở Quảng Ngãi nhưng năm chỉ về một lần nên tôi cũng không biết điểm nào, toàn phải tra trên mạng. Buổi sáng, tôi hay chạy xe đi dạo và ghi lại cuộc sống thường ngày của người dân. Lúc này, ánh sáng rất đẹp”, Ngọc Ga chia sẻ. Trong ảnh, một người dân đang bắt hến ở Sa Huỳnh.
Trong lần về quê này, Ngọc Ga dành thời gian đi khá nhiều điểm như biển Mỹ Á, biển Sa Huỳnh, cánh đồng muối Sa Huỳnh, đảo Lý Sơn, vùng núi Ba Tơ… “Quảng Ngãi là vùng đất hoang sơ, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng và thường phải chịu thiên tai, lũ lụt”, anh nói.
Cửa biển Mỹ Á (Đức Phổ) mang màu sắc mơ hồ trong khoảnh khắc giao hòa giữa ánh sáng và bóng tối. Đây không phải điểm du lịch thường được du khách quan tâm. Nơi này chủ yếu tập trung thuyền cá của các ngư dân.
Dạo quanh khu vực này, bạn cũng sẽ tìm thấy những bờ kè chắn sóng phủ đầy rêu xanh.
Người ta nhắc nhiều đến những bờ kè chắn sóng, mùa rêu ở Phú Yên. Tuy nhiên, ít người biết ở Quảng Ngãi cũng có những bờ kè chắn sóng lên hình đẹp thế này. “Cảnh ở đây đẹp nhưng du lịch chưa bứt phá. Tôi nghĩ Quảng Ngãi cần đầu tư mạnh về du lịch biển đảo, kết nối các tour, tuyến, mở rộng hệ thống đưa đón tiện nghi đến Lý Sơn”, anh nhận xét.
Trong ngày lang thang ở cửa biển Mỹ Á, Ngọc Ga đã chờ đến đêm để ghi lại khoảnh khắc ngân hà trên đầu bãi đóng tàu. Một nơi ít ánh sáng, không khí trong lành như Quảng Ngãi là điểm đến tuyệt vời cho những nhiếp ảnh gia muốn săn “milky way” (dải ngân hà).
Một góc trời đầy sao phía trên những tấm chắn sóng phủ đầy rêu xanh.
Cuộc sống nhẹ nhàng, bình yên của những người dân địa phương khiến Ngọc Ga muốn đi nhiều hơn và ghi lại khoảnh khắc đời thường.
Những tấm lưới xanh đánh cá này là công cụ kiếm sống không thể thiếu với các ngư dân vùng biển. Tuy nhiên, nó cũng thường xuất hiện trong các bức ảnh của nhiều nhiếp ảnh gia. Họ thường gọi các tấm lưới này là “dải lụa trên biển”.
“Ở quê tôi cũng có cây cô đơn nhưng chẳng ai nhắc đến”, nhiếp ảnh gia này nói.
Bức ảnh này được Ngọc Ga chụp ở đảo Bé (Lý Sơn). So với nhiều vùng khác ở Quảng Ngãi, Lý Sơn được khách du lịch biết đến nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo Ngọc Ga, Quảng Ngãi xứng đáng được biết đến nhiều hơn, thay vì chỉ mỗi Lý Sơn như hiện tại.
“Quê tôi có vị trí địa lý thuận lợi như đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, có sân bay Chu Lai, cảng nước sâu Dung Quất. Hơn 100 km đường bờ biển tuyệt đẹp với Lý Sơn, gành Yến, Sa Huỳnh… Địa hình Quảng Ngãi cũng đa dạng và nhiều khu di tích, văn hóa lịch sử”, Ngọc Ga cho biết.