Hình ảnh cổ kính, mang nét xưa cũ của làng cổ Đường Lâm khiến nhiều người bồi hồi xúc động, nhớ về kí ức thuở thiếu thời, lớn lên bên cây đa, giếng nước, sân đình.
Bộ ảnh về làng cổ Đường Lâm của chị Phạm Ngọc Diệp (sinh năm 1986, Sơn Tây, Hà Nội) nhận được sự chú ý của cộng đồng người yêu du lịch.
Sinh ra và lớn lên ở miền Nam nhưng chị Diệp đã có 10 năm sống, gắn bó với mảnh đất Sơn Tây. Đam mê nhiếp ảnh, từng rong ruổi đến nhiều vùng miền đất nước, ghi lại cảnh đẹp nhiều nơi nhưng với chị Diệp, một trong những nơi chị yêu, rung cảm nhất chính là Đường Lâm, Sơn Tây.
“Suốt mấy năm qua, tôi đều đến Đường Lâm ghi lại những hình ảnh về cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây, để lưu giữ kí ức đẹp về ngôi làng cổ trong bối cảnh làng quê ngày một mất dần, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát”, chị Diệp chia sẻ.
Chị từng có nhiều bộ ảnh khác nhau về Đường Lâm, được chia sẻ khắp các diễn đàn du lịch. Chị Diệp chụp cổng làng, cây đa, các cụ già sảy thóc, làm tương… – những hình ảnh mang nét bình dị, mộc mạc, có phần xưa cũ.
Hình ảnh bình yên bên cổng Mông Phụ của làng Đường Lâm. Đây là cổng làng cổ duy nhất còn sót lại ở khu vực Bắc Bộ
Chị Diệp thật lòng chia sẻ, có nhiều hình ảnh đã hiếm gặp trong đời sống hàng ngày, ví như việc các cụ già ngồi sảy thóc trước hiên nhà.
Để có những bức hình tái hiện cuộc sống thôn quê, chị Diệp cùng người thầy – nhiếp ảnh gia Vũ Anh Dũng phải đi tìm, liên hệ những cụ già trong làng, đặc biệt là những cụ bà nhuộm răng đen – đặc trưng của phụ nữ Việt thời xưa.
Để có những bức hình tái hiện chân thực, cảm xúc nhất, tác động được tới trái tim người xem, chị Diệp phải có thời gian làm quen, trò chuyện, tâm sự với các cụ già ở Đường Lâm.
“Đến nay, các cụ đã quá thân quen với tôi. Mỗi lần thực hiện các bộ ảnh cuộc sống ở Đường Lâm, các cụ lại nhiệt tình hỗ trợ tôi, ekip”, chị Diệp chia sẻ.
Những hình ảnh được chị Diệp ghi lại khiến nhiều người bồi hồi nhớ về tuổi thơ
“Tôi thường chụp vào khung giờ sáng tới 10:30, khi đó có ray tia, ánh sáng rất đẹp. Với một số bức ảnh, tôi có thể thêm hiệu ứng khói, tùy theo nội dung bộ ảnh”, chị Diệp chia sẻ
Hình ảnh cụ già cần mẫn chuẩn bị tương nếp trước sân nhà
Tương nếp là một đặc sản của ngôi làng cổ Đường Lâm. Nghề làm tương ở Đường Lâm đã tồn tại từ xa xưa, cha truyền con nối. Nhà nào cũng có một vài chum tương dành ăn cả năm hay bán cho khách thập phương.
Tương Đường Lâm có hương vị rất riêng, ngọt, thơm, bùi, đậm đà khó quên. Tới các gia đình làm tương, du khách có thể lắng nghe lịch sử món tương truyền thống, xem một số công đoạn thực hiện và mua tương làm quà.
Những dịp Tết Nguyên Đán, chị Diệp thường về Đường Lâm, ghi lại hình ảnh các cụ già ngồi bên hiên nhà gói bánh chưng xanh. Không gian cổ kính của những ngôi nhà trăm năm tuổi, thêm cành đào, chậu quất, câu đối đỏ… tạo nên hình ảnh nao lòng người xem.
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 45 km, làng cổ Đường Lâm là điểm đến với những du khách muốn tìm lại kí ức xưa, ngắm nhìn cuộc sống yên bình, mộc mạc.
Nơi đây lưu giữ tốt những nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ xưa với cây đa, bến nước, sân đình…, những ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo xây dựng bằng đá ong và cột gỗ lim.
Làng cổ Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua”. Năm 2006, Đường Lâm rất vinh dự khi trở thành làng cổ đầu tiên ở nước ta và đã được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Tại Đường Lâm có nhiều ngôi chùa cổ kính, có bề dày lịch sử, kiến trúc tinh xảo như chùa Mía, chùa Ón…
Chùa Mía cổ kính, mang nét trầm mặc, bình yên
Sau những bộ ảnh ấn tượng về Đường Lâm, chị Diệp được nhiều bạn bè tin tưởng, nhờ làm “hướng dẫn viên” giới thiệu, dẫn tour tham quan ngôi làng cổ.
“Gần đây, không chỉ làm hướng dẫn viên cho bạn bè, người thân, tôi còn nhận lời tổ chức, đón các đoàn nhiếp ảnh gia, người yêu nhiếp ảnh khắp các tỉnh thành tới thăm Đường Lâm. Trong chuyến đi, các bạn nhiếp ảnh gia không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc ngôi làng mà còn được tham gia “săn ảnh” tại không gian tái hiện các hoạt động sinh hoạt truyền thống”, chị Diệp chia sẻ.
Nhiều nhiếp ảnh gia tìm tới thăm thú ngôi làng cổ để ghi lại khoảnh khắc bình yên, xưa cũ
Chị Diệp dành nhiều năm để khám phá vẻ đẹp của ngôi làng trăm tuổi
Nằm ngay ngoại thành Hà Nội nên việc di chuyển đến với làng cổ Đường Lâm rất dễ dàng. Nếu lựa chọn di chuyển bằng phương tiện cá nhân, bạn chỉ cần đi theo Quốc lộ 32 qua Hoài Đức, Đan Phượng rồi cứ tiếp tục đi thẳng là sẽ đến làng cổ Đường Lâm.
Nếu chưa rành đường, bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng xe bus từ nội thành tới bến xe Sơn Tây – vừa an toàn lại tiết kiệm chi phí. Sau khi đến bến xe Sơn Tây, bạn có thể bắt taxi hoặc xe ôm để đi vào làng cổ Đường Lâm. Tại ngôi làng, du khách có thể tản bộ, thuê xe đạp, xe điện với chi phí hợp lý.
Theo VietNamNet