Miền Tây có nhiều món ngon vật lạ, nhưng bánh canh tép vịt lộn thì chỉ có ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Nghe tên là đã thấy kỳ lạ rồi, ăn thì thế nào?
Bánh canh tép vịt lộn chắc cũng nằm trong hệ biến tấu ẩm thực của người miền Tây như đối với nhiều món ăn khác. Chẳng hạn, người viết từng ăn món cháo lòng trộn với… bún trong một sáng ở huyện Mỏ Cày, Bến Tre, hết sức lạ miệng.
Nhưng vì sao bánh canh tép vịt lộn lại chỉ thấy ở thị trấn Núi Sập, chứ không thấy ở nơi nào khác tại miền Tây? Cái này thì chịu, chắc chỉ có giới nghiên cứu xã hội học, văn hóa lịch sử thì mới giải đáp được.
Đã vậy, theo hiểu biết có phần hạn hẹp của người viết, món này cũng chưa có mặt ở các địa phương khác ngay trong tỉnh An Giang. Nếu đúng vậy thì thêm phần lạ lùng nữa, vì nó đâu phải chế biến từ đặc sản hạn chế, mang tính khu biệt vùng miền.
Vì vậy, về Núi Sập thì phải đi làm tô bánh canh tép hột vịt lộn, cho biết. Thị trấn nhỏ tí cũng chỉ có mấy quán bánh canh độc lạ này. Nhưng nghiệt cái là, quán xá mà không có bán buổi sáng, phải đến 1 giờ chiều mới dọn ra.
Tò mò hỏi, chủ quán nói sợi bánh canh làm bằng bột gạo se, nên không bị dai dai như các loại bánh canh thường gặp. Cọng bánh mềm hơn, thuôn tròn, màu trắng đục.
Nước lèo thì cũng chủ quán nói là nấu từ xương heo nên ngọt tự nhiên. Ăn vô thấy có lẽ là vậy, thấm vị ngọt thiệt thà, không mùi công nghiệp như bột ngọt hay bột nêm.
Đến phần tép với hột vịt lộn, hai thứ làm nên tô bánh canh lạ. Trước hết là tép, không rõ bí quyết gì, vì có hỏi chủ quán cũng không nói, mà tép ram ăn vô không mềm èo, cũng chẳng cứng còng.
Chỉ có thể tả vụng là tép này vừa qua khỏi độ mềm, vừa tới kịp độ giòn. Thịt tép thì đâu có bao nhiêu nhưng đưa vô miệng cho cảm giác tơi ra, ngọt bùi. Vỏ tép còn nguyên đem ram, nhưng không khô xảm, mà giòn tan trên lưỡi.
Kế tiếp là vịt lộn. Hột vịt quán luộc sẵn, giữ nóng, khách nào muốn ăn thì kêu. Có khách tự lột vỏ, có người nhờ quán lột sẵn bỏ luôn vô tô bánh canh.
Chắc cũng có người không quen ăn vịt lộn, hoặc có người không thích ăn hột vịt lộn với bánh canh. Nhưng lén nhìn quanh trong quán, thấy chục người thì hết chín người rưỡi bưng tô bánh canh có trứng vịt lộn ở trỏng.
Chứ đã lặn lội đi ăn bánh canh tép vịt lộn, mà không ăn hột vịt lộn chung với bánh canh, thì giảm mấy phần lạ miệng rồi.
À, có thêm mấy miếng huyết nữa, nhưng rõ ràng huyết là vai phụ, cho thêm chút sắc vị, đầy đặn trong tô. Một trứng vịt lộn, nhúm tép ram cùng ba miếng huyết, thả lên trên vắt bánh canh, đủ cho một lần xì xụp.
Với người có sức ăn khá, tô bánh canh tép vịt lộn chắc chỉ vừa tráng dạ. Phải cỡ hai tô mới vừa bụng, nhất là trời ơi, giá gì mà rẻ quá chừng, có mười hai ngàn một tô, bỏ thêm cái trứng vịt lộn thì mới thành mười tám ngàn.
Nhưng ăn chi cho nhiều, người ta bán một tô dung lượng vậy chắc cũng từ thực tế mà ra. Người địa phương coi như ăn dằn bụng vì bán từ lúc xế chiều trở đi. Ăn để còn chừa bụng cho bữa tối.
Người phương xa tới thì ăn vừa vặn để thưởng thức, trải nghiệm, dành phần cho lần quay lại nếu có.
Còn với dân gốc Núi Sập ngày về quê, thì cầm muỗng đũa khuấy xuống tô mà khơi ký ức, xới kỷ niệm, chứ đâu chỉ đơn giản là ăn tô bánh canh tép vịt lộn, phải không.