Tạp chí du lịch Lonely Planet (Australia) đã chọn ra những tuyến đường bộ đẹp nhất Việt Nam mà tín đồ xê dịch nên một lần đặt chân trong đời.
Trải dài từ Bắc chí Nam, Việt Nam sở hữu những cung đường tuyệt đẹp mê hoặc giới xê dịch.
Miền Bắc nổi tiếng với cảnh sắc hoang sơ của núi rừng rẻo cao, điểm nhấn là những cung đường uốn lượn giữa mây ngàn. Trong khi đó, miền Trung thu hút dân phượt bởi những cung đường vượt biển tràn ngập nắng gió. Khi ghé thăm miền Tây Nam Bộ, ta lại bắt gặp khung cảnh bình dị ở các con đường đất, bao quanh là cánh đồng lúa trải bát ngát.
Nếu có ý định du lịch trong nước sau dịch, bạn có thể tham khảo các tuyến đường check-in mà Lonely Planet gợi ý.
1. Đèo Hải Vân
Lộ trình: Đà Nẵng – Thừa Thiên – Huế
Khoảng cách: 20 km
Đèo Hải Vân dài 20 km, là ranh giới tự nhiên nối tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP Đà Nẵng, được mệnh danh “thiên hạ đệ nhất hùng quan”, bản hòa ca rừng – biển – phố. Nơi đây vừa được vinh danh trong top 10 cung đường đẹp nhất thế giới, do tạp chí Travel + Leisure bình chọn.
Theo thống kê từ hơn 7 triệu hashtag trên Instagram của Pentagon Motor Group (PMG), đèo Hải Vân xếp hạng 4 trong 10 cung đường được check-in nhiều nhất thế giới, với hơn 52.000 bức ảnh.
Cung đường Bắc – Nam thu hút bởi bức tranh đại ngàn hùng vĩ. Ảnh: Getty. |
Hải Vân Quan, ga Hải Vân Bắc, hòn đá Cụ Rùa, cầu vòm Đồn Cả là những điểm dừng chân không thể bỏ qua trên hành trình chinh phục “thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình này là vịnh biển Lăng Cô. Nơi đây có vẻ đẹp tựa bức tranh thủy mặc với nước biển xanh như ngọc, phía xa là đồi núi trập trùng.
2. Ha Giang Loop
Lộ trình: TP Hà Giang – Quản Bạ – Đồng Văn – Mèo Vạc – TP Hà Giang
Khoảng cách: 350 km
Dân du lịch nước ngoài gọi cung đường TP Hà Giang – Quản Bạ – Đồng Văn – Mèo Vạc – Hà Giang là “Ha Giang Loop” (tạm dịch: một vòng Hà Giang).
Đây là cung đường vòng lặp thú vị ở Hà Giang được lòng hội “cuồng chân”. Các con đường hiểm trở, thử thách tay lái, những triền đá tai mèo trùng điệp là đặc trưng của vùng đất “hoa nở trên đá”.
Những cung đường là điểm nhấn thú vị cho bức tranh đại ngàn Đông Bắc. Ảnh: The_prabster. |
Bạn sẽ thấy một Hà Giang hùng vĩ, tuyệt đẹp nếu tự mình phượt trên các cung đường đèo uốn lượn, ngoạn mục, bên dưới là dòng Nho Quế xanh mát, thơ mộng… Trong màn sương mờ ảo, mây núi, non nước hòa quyện, ngỡ như chốn bồng lai tiên cảnh nơi trần gian.
Một số hoạt động không thể bỏ qua của hành trình này gồm đi bộ xuyên rừng, chèo thuyền và thám hiểm hang động. Đèo Mã Pì Lèng là điểm đến dành cho những ai ưa thích check-in, sống ảo.
3. Cao Bằng – Bản Giốc
Lộ trình: TP Cao Bằng – thác Bản Giốc
Khoảng cách: 80 km
Thác Bản Giốc được xem là nơi có cảnh sắc tuyệt diệu, như tiên cảnh ở Cao Bằng. Cung đường đến đây khá hiểm trở nhưng sở hữu phong cảnh ấn tượng, thu hút du khách check-in hàng năm.
Trên hành trình này, bạn sẽ vượt đèo Mã Phục dài 3,5 km với 7 khúc cua ngoằn ngoèo. Động Ngườm Ngao, kiệt tác thiên nhiên Cao Bằng cũng là điểm dừng chân lý tưởng nếu bạn có nhiều thời gian cho hành trình này.
Đặt chân đến thác Bản Giốc, du khách sẽ bắt gặp cảnh đẹp say đắm lòng người với từng tầng thác nối tiếp nhau, tuôn nước ồ ạt, bọt tung trắng xóa. Thác có độ cao trên 30 m với nhiều khối nước lớn đổ xuống qua nhiều tầng đá vôi.
Cảnh đẹp ở thác Bản Giốc. Ảnh: Shutterstock. |
4. Đà Lạt – Nha Trang
Lộ trình: Đà Lạt – Nha Trang
Khoảng cách: 134 km
Hành trình hứa hẹn đem đến trải nghiệm mới lạ khi du khách đi từ vùng cao nguyên mát mẻ Đà Lạt đến xứ biển nắng gió Nha Trang. Đường đi qua nhiều đồi núi hiểm trở, với các khúc cua gấp, vách đá cao và vực sâu đến 300 m tạo nên phong cảnh hùng vĩ của đại ngàn. Nhiều du khách ví đây là “cung đường nối biển và hoa”.
Tuyến đường đi ngang vườn quốc gia Bidoup Núi Bà – nơi có tài nguyên sinh học đa dạng bậc nhất tại Việt Nam. Du khách sẽ có cảm giác lạ lẫm khi đắm mình trong làn sương mờ ảo hay ngắm ngọn thác đổ từ vách đá cao bên vệ đường.
Tuyến đường từ Đà Lạt đến Nha Trang mất khoảng 3 giờ. Du khách nên chọn phượt vào ban ngày để đảm bảo an toàn.
Phượt trên những cung đường trong mây là trải nghiệm khó quên. Ảnh: Khang Duong. |
5. TP.HCM – TP Mỹ Tho
Lộ trình: TP.HCM – TP Mỹ Tho
Khoảng cách: 70 km
Rời khỏi thị thành náo nhiệt, nhiều khói bụi, đến Mỹ Tho (Tiền Giang), bạn sẽ được trở về chốn sông nước miền Tây yên bình.
Phong cảnh ở tuyến đường này không có gì đặc biệt, tuy nhiên thứ níu chân du khách là nhịp sống yên ả, khác xa sự hối hả nơi phố thị sầm uất. Men theo các con đường nhỏ ven sông, bạn sẽ được tận hưởng thiên nhiên trong lành, trò chuyện với những người miền Tây bình dị, chất phác.
Đặt chân đến Mỹ Tho, du khách đừng bỏ qua việc thưởng thức món hủ tiếu trứ danh. Đồng Tháp hay Cần Thơ là những điểm đến lân cận bạn có thể khám phá kết hợp trong hành trình này.
Phong cảnh hữu tình ở miền Tây sông nước. Ảnh: Getty. |
6. Đảo Côn Sơn
Lộ trình: Đầm Trầu – Bến Đầm
Khoảng cách: 25 km
Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) là một trong những kỳ quan thiên nhiên của Việt Nam. Côn Sơn, hòn đảo lớn nhất của quần đảo này sở hữu con đường hoang sơ mê hoặc giới xê dịch.
Bãi Đầm Trầu ở Côn Đảo là bãi biển duy nhất của Việt Nam lọt top 25 bãi biển đẹp nhất thế giới do tạp chí Travel + Leisure bình chọn. Xuất phát từ đây, du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh biển nguyên sơ, ít bị tác động bởi con người.
Hành trình kết thúc tại cảng biển Bến Đầm. Đây là nơi bạn có thể tham gia nhiều hoạt động ngoài trời như bơi lội, chèo thuyền, lặn biển, lướt ván…
Đảo Côn Sơn mang đến nhiều trải nghiệm xê dịch mới lạ cho du khách. Ảnh: Getty. |
7. Đường Hồ Chí Minh
Lộ trình: TP.HCM – Hà Nội
Khoảng cách: 1880 km
Từ TP.HCM đi Hà Nội có nhiều lựa chọn phương tiện cho du khách như xe máy, tàu hỏa, máy bay… Hành trình từ Bắc chí Nam kéo dài khoảng 2 tuần đối với những ai thích phượt hay du lịch đường dài.
Rời Sài thành náo nhiệt, du khách sẽ đi qua vùng duyên hải miền Trung nắng gió, tiếp đến là mảnh đất Bắc Trung Bộ yên bình và kết thúc hành trình ở thủ đô Hà Nội.
Những điểm đến được du khách ưa thích trên chặng đường này là Bình Thuận, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Ninh Bình.
Việt Nam sở hữu nhiều danh thắng đẹp dọc miền đất nước. Ảnh: Unsplash. |
Theo Zing